Bài học ít người biết về Chương trình Phát hành Cổ phần cho Nhân viên (ESOP): Tại sao hầu hết các kế hoạch ESOP đều thất bại?
Tác giả: Chris Freund, Nhà Sáng lập & Tổng Giám đốc, Mekong Capital
Mekong Capital đã đầu tư vào hơn 40 công ty tại Việt Nam trong suốt 20 năm qua. Mặc dù đa số các chương trình ESOP đều chưa hiệu quả, nhưng cũng có một số ít ngoại lệ, chẳng hạn như các khoản đầu tư trước đây của chúng tôi vào Thế giới di động và Masan Consumer. Những công ty này không chỉ có kế hoạch ESOP hậu hĩnh mà còn thành công trong việc gia tăng giá trị cho cổ đông.
Theo định nghĩa của tôi, một kế hoạch ESOP “thành công” là khi:
- Các lãnh đạo cấp cao mong muốn nắm giữ cổ phần và xem lựa chọn này tốt hơn so với nhận tiền mặt. Những lãnh đạo cấp cao này thường giữ lại phần lớn cổ phần rất lâu dù họ có thể bán cổ phần này đi;
- Các lãnh đạo cấp cao có động lực hợp tác cùng nhau để hướng đến những mục tiêu chung. Họ đều đạt được những mục tiêu này trong hầu hết các năm.
- Chương trình ESOP cũng đóng góp trong việc giữ chân nhiều nhân sự.
Vậy vì sao phần lớn các chương trình ESOP đều thất bại?
1. Nhân viên chưa nhìn thấy giá trị của công ty trong tương lai. Có một công ty trong danh mục đầu tư trước đây của quỹ khi niêm yết cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã chứng kiến giá cổ phiếu trong ngày giao dịch đầu tiên giảm 20% xuống mức giá giới hạn. Tất cả các cổ đông và nhân viên đều muốn thoái vốn vì họ không tin vào triển vọng tương lai của công ty.
2. Có quá nhiều hạn chế trong việc phát hành cổ phần, giai đoạn chuyển quyền (vesting periods) quá dài, hoặc có quá nhiều điều kiện phức tạp khiến nhân viên mất niềm tin rằng họ có thể bán cổ phần khi cần. Thông thường Hội đồng Quản trị hoặc Giám đốc nhân sự có tính cầu toàn sẽ xây dựng một kế hoạch ESOP với rất nhiều điều kiện và thậm chí cần đến 20 trang PowerPoint để giải thích. Không có ai ngoại trừ tác giả có thể hiểu và nhớ được cách chương trình hoạt động. Khi điều này xảy ra, nhân viên khó lòng hình dung được giá trị của chương trình ESOP. Khi Mekong còn là cổ đông của Masan Consumer, công ty đã tập hợp được một đội ngũ nhân sự xuất sắc và hầu như không có đối thủ nào có thể chiêu mộ được họ. Lý do là vì chương trình ESOP của Masan Consumer quá hấp dẫn và gần như không có hạn chế. Vào thời điểm đó, một số trưởng phòng đã chia sẻ với tôi đó rằng họ nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng giá trị của cổ phần ESOP đang nắm giữ, một phần là vì họ có thể bán cổ phần này bất kỳ lúc nào trên thị trường phi tập trung (OTC). Bên cạnh đó, họ cũng tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của công ty và giá trị cổ phần ESOP sẽ tiếp tục tăng cao. Họ thực sự đã đúng.
3. Các cổ phần ESOP thường không có tính thanh khoản cao và rất hiếm có người mua, trừ phi công ty có chính sách mua lại cổ phần. Trong trường hợp này, nhân viên cho rằng mức giá cổ phần khi bán sẽ không thỏa đáng nếu chỉ có thể bán lại được cho công ty. Đây là một trong số những vấn đề mà chương trình ESOP nội bộ của Mekong gặp phải trước đây vì chúng tôi không có kế hoạch niêm yết cổ phần lên sàn giao dịch chứng khoán. Do đó, nhân viên đã đúng khi họ dự đoán sẽ có rất ít hoặc gần như không có người nào quan tâm mua lại cổ phần của họ. Tại Việt Nam, các chương trình ESOP sẽ hoạt động hiệu quả hơn khi công ty đã hoặc sắp trở thành công ty đại chúng niêm yết và có kế hoạch niêm yết rõ ràng trên sàn giao dịch chứng khoán để tiếp cận thị trường thứ cấp đang hoạt động sôi nổi.
4. Một số yếu tố kích hoạt hiệu suất như các chỉ số KPI cần đạt được để nhận cổ phần ESOP thường rất khó hoặc phức tạp đến mức việc phát hành ESOP trở nên bất khả thi. Mặc dù những công ty này có chương trình ESOP nhưng nhân viên thường chỉ nhận được rất ít hoặc hầu như không có cổ phần ESOP nào qua các năm. Do đó, nhân viên cảm thấy chương trình ESOP vẫn nằm ngoài tầm với của họ và họ chỉ có thể nhận được cổ phần ESOP nếu gặp may. Trong khi đó, Thế giới di động thường kích hoạt chương trình ESOP khi lợi nhuận ròng của công ty tăng trưởng 30% trong một năm, ngay cả khi công ty đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhiều. Điều này khiến nhân viên tự tin rằng họ sẽ đạt được điểm kích hoạt ESOP trong hầu hết các năm. Do đó, ESOP trở thành một phần quan trọng trong chính sách chi trả thù lao của Thế giới di động và chương trình này đã được triển khai rất thành công.
5. Cách phân phối cổ phần ESOP không được thực hiện một cách rõ ràng. Một số công ty đầu tư đầu tiên của Mekong Capital cũng có chương trình ESOP. Vào cuối mỗi năm Chủ tịch/CEO của công ty sẽ đưa ra quyết định người nào sẽ nhận bao nhiêu cổ phần ESOP. Mặc dù điều này có thể làm gia tăng sự trung thành của nhân viên đối với Chủ tịch, nhưng lại không đảm bảo chương trình ESOP hoạt động dựa trên hiệu suất và tính minh bạch. Những công ty này thường gặp khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ nhân viên năng suất cao. Nhân viên cũng cần giải thích rõ ràng về số lượng cổ phần ESOP mà họ sẽ nhận được nếu đạt các chỉ tiêu KPI.
Những yếu tố đảm bảo chương trình ESOP có hiệu quả bao gồm:
- Sự tin tưởng: Triển khai chương trình ESOP khi công ty đang trên đà tăng trưởng tốt và hầu hết các nhân sự cấp cao đều hào hứng với triển vọng tương lai của công ty.
- Tính thanh khoản: Triển khai chương trình ESOP khi công ty sắp trở thành công ty đại chúng niêm yết, có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán rõ ràng hoặc sắp có một sự kiện thanh khoản như bán toàn bộ cổ phần công ty.
- Không giới hạn: Có rất ít hoặc không có ràng buộc cho nhân viên khi bán cổ phần, cũng như rút ngắn tối đa giai đoạn chuyển quyền (vesting period).
- Đơn giản và minh bạch: Đưa ra các điểm kích hoạt hiệu suất đơn giản và khả thi dựa trên hiệu quả làm việc của nhân viên (nhưng đây không phải trường hợp lý tưởng nhất). Áp dụng một hệ thống đơn giản để dự đoán số lượng cổ phần ESOP mà mỗi nhân viên có thể đạt được.
Ngày 12 tháng 5 năm 2023
Vui lòng nhấn vào nút dưới đây để đăng ký nhận bản tin quý của Mekong Capital.
Mekong Capital đầu tư vào các ngành theo xu hướng tiêu dùng và đóng góp giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo mô hình Đầu tư Lấy Tầm nhìn làm Định hướng. Các công ty nhận đầu tư thường nằm trong số các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất trong ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam.
Đầu năm 2022, người sáng lập Mekong Capital, Chris Freund, đã xuất bản cuốn “Chuyện Lẩu Cua”, một câu chuyện về một đàn cua bị bắt bỏ vào nồi nước sôi. Thoạt nhìn, “Chuyện Lẩu Cua” trông như một quyển truyện tranh thiếu nhi với trang bìa đầy màu sắc và nét vẽ giàu tính biểu cảm theo phong cách hoạt hình. Nhưng càng về sau, độc giả dễ dàng nhận thấy rằng câu chuyện hàm chứa một thông điệp quan trọng cho các doanh nghiệp về chuyển hóa, năng lực lãnh đạo và việc tập trung vào một tầm nhìn rõ ràng.
Sách đang có bán tại Tiki (bìa cứng): bit.ly/38baF8a
Để lại nhận xét