Điều gì tạo nên một nơi làm việc lý tưởng để chúng ta gắn bó lâu dài?
Tác giả: Mia Võ, Trưởng phòng Truyền thông, Mekong Capital
20/01/2024
—
Trong cả quá trình sự nghiệp của mình cho đến nay, tôi đã làm việc tại sáu công ty khác nhau và tự vận hành ba công ty của riêng mình. Mỗi tổ chức đều có một cơ cấu, mô hình kinh doanh và văn hoá làm việc khác nhau.
Qua những trải nghiệm đó, có những nơi tôi cảm thấy đầy động lực khi đi làm, nhưng cũng có một số môi trường lại khiến tôi nản chí mỗi khi bước chân vào văn phòng. Là một người yêu thích nghiên cứu về văn hoá doanh nghiệp và quản lý hiệu quả, các yếu tố tạo nên sự hài lòng của nhân viên tại nơi làm việc là vô cùng quan trọng đối với tôi. Liệu đó có phải cảm giác ta là một phần thuộc về công ty? Hay các phúc lợi là điều khiến nhân viên hài lòng? Liệu đó là những thành tựu khi chúng ta được công nhận và đóng góp vào thành công của công ty? Hay là tất cả các yếu tố trên?
Điều gì mới thật sự tạo nên một nơi làm việc lý tưởng để chúng ta gắn bó lâu dài?
Điều gì khiến chúng ta hạnh phúc và trở thành một thành viên tích cực của công ty?
Giống như bao người khác, tôi từng tin rằng tiền lương và các phúc lợi sẽ mang lại sự thoả mãn đó. Suy cho cùng, ai có thể cưỡng lại được một công việc có mức thu nhập cao với nhiều lợi ích cho nhân viên? Tuy nhiên, sau một thời gian đi làm, tôi nhận ra công ty trả lương cao nhất cho tôi lại là một trong những nơi tôi có thời gian làm việc ngắn nhất.
Tôi đã không trải nghiệm được niềm vui trong môi trường đó. Kể cả khi giữ một chức vụ cao, được nhiều đồng nghiệp tôn trọng và Ban quản trị tin tưởng, điều ấy vẫn không giúp tôi tìm được sự hài lòng và tính hiệu quả trong công việc này.
Vì vậy, tiền lương với tôi không phải là yếu tố chính giữ chân chúng ta ở lại một môi trường làm việc, mặc dù đó là một phần quan trọng.
Cho đến một ngày, tôi gia nhập Mekong Capital. Khi bước vào thế giới mới này, tôi bất ngờ với những mục tiêu cao và tiêu chuẩn công việc tại đây. Mọi người đều tập trung vào kết quả, cùng với một khả năng kết nối mạnh mẽ trong giao tiếp. Với một bầu không khí tích cực và nhiệt huyết, Mekong Capital thật sự làm tôi tò mò và muốn được cống hiến nhiều hơn.
“Ở Mekong, chúng ta luôn chơi một trò chơi đột phá”, mentor (người hướng dẫn) của tôi đã nói điều này trong những ngày đầu tôi vào công ty.
Ban đầu, tôi đã gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các cuộc họp bị từ chối, đảm bảo những đồng nghiệp khác chịu trách nhiệm cho phần việc của mình, hay nhận những câu trả lời “không” với các yêu cầu tôi đưa ra. Điều đó làm tôi thấy bức bối, nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi luôn nhớ đến câu nói từ mentor của mình, nó giúp tôi tiếp tục kiên trì. Suy cho cùng, tôi chưa bao giờ rời bỏ một công ty chỉ vì công việc nhiều thử thách; tôi chỉ rời đi khi tôi không còn tìm được sự kết nối với nơi ấy.
Sau đó, tôi nhận ra những sự từ chối mà tôi nhận được là do cách diễn đạt các yêu cầu của mình chưa hiệu quả. Ở Mekong, một cuộc họp được xem là hiệu quả khi nó đạt được mục tiêu cụ thể đã đề ra trước đó. Mà lời mời các cuộc họp của tôi trước đây thường chứa từ “thảo luận” thay vì một mục tiêu cụ thể.
Một khía cạnh khác mà tôi rất thích ở Mekong đó chính là mô hình mentor-mentee. Ngoài một người sếp quản lý công việc, mỗi nhân viên đều có một mentor, là người đồng hành hướng dẫn, khai vấn và hỗ trợ mình trong thời gian làm việc. Điều này sẽ giúp các thành viên nhanh chóng hoà nhập và chạm được đến tiềm năng phát triển cao nhất của bản thân.
Sau một thời gian, tôi dần tìm thấy cảm giác hạnh phúc và thoả mãn với mỗi ngày làm việc tại Mekong. Vậy nên, tôi tiếp tục tự hỏi “Điều gì đã khiến tôi hạnh phúc và đầy động lực ở đây?” Đó có phải đơn thuần là cảm giác của tôi? Hay là nhờ những người tôi làm việc cùng? Hoặc do bản chất công việc tôi đang làm?
Cho đến một ngày, chính cuốn sách tuyệt vời mang tên “Why Motivating People Doesn’t Work… and What Does” (Tạm dịch: “Tại sao tạo động lực cho người khác là không hiệu quả… Vậy thì điều gì là hiệu quả”) của Susan Fowler đã giúp tôi tìm thấy câu trả lời.
Susan Fowler chia sẻ rằng, việc thúc đẩy con người làm việc thông qua các yếu tố như lương cao, tiền hoa hồng hay các phúc lợi tương tự như việc cho chim bồ câu ăn để khiến chúng làm theo yêu cầu của chúng ta, mà đó không nhất thiết là những thứ chúng muốn. Fowler gọi đây là “Pecking Pigeon Paradigm” (Tạm dịch: “Mô hình bồ câu mổ”). Phương pháp này thường được sử dụng vì nó có thể thúc đẩy hiệu suất công việc, bởi con người sẽ làm chủ yếu vì mong muốn được nhận thưởng. Tuy nhiên, hàng ngàn nghiên cứu đã cho ra cùng một kết quả rằng: sự tương quan giữa hiệu suất và động lực lương-thưởng là một sự tiêu cực. Việc sử dụng phần thưởng chỉ làm suy thoái động lực, sự nhiệt huyết và thể trạng tinh thần của mỗi cá nhân, gây cản trở khả năng đạt được mục tiêu cao và nỗ lực để đạt được sự xuất sắc bền vững của họ.
Vậy nếu phần thưởng không phải là một cách hay để thúc đẩy động lực, thì điều gì mới mang lại hiệu quả? Theo Fowler, mỗi người chúng ta vốn đã luôn có động lực, nhưng điều quan trọng là chất lượng của những động lực này. Câu trả lời nằm ở tại nơi làm việc, chúng ta đều cần đáp ứng ba nhu cầu tâm lý: được lựa chọn, sự kết nối, và giá trị năng lực.
Để tôi liên kết chúng với những trải nghiệm của mình tại Mekong Capital cho bạn hiểu.
Lựa chọn: Mekong cho tôi sự tự chủ mà tôi muốn. Tôi được khuyến khích tự thiết lập các chỉ số hiệu suất cá nhân (KPIs) cho mình miễn là chúng phù hợp với tầm nhìn của công ty. Mỗi dự án hay trách nhiệm mới ở đây đều là một lời mời, tôi có quyền quyết định tham gia hay không, và có muốn đảm nhận trách nhiệm đó hay không. Vậy nên, khi lựa chọn một dự án, tôi cam kết thời gian và công sức của mình để hoàn thành, vì đó là lựa chọn của tôi. Hơn nữa, với cảm giác tự chủ đó, tôi còn sẵn sàng nhận thêm các dự án một cách tự nguyện mà không bị ép buộc.
Kết nối: Mekong quan tâm đến mục tiêu cá nhân của mỗi thành viên và mong muốn nó được hoà nhập với tầm nhìn của công ty, từ đó tạo nên những mục tiêu và hành động có giá trị và ý nghĩa lớn lao hơn. Đây là nơi làm việc đầu tiên mà tôi có thể kết nối đam mê con chữ của mình trong từng câu chuyện với giá trị và tác động mạnh mẽ. Tôi có cơ hội viết ra với những câu chuyện đầu tư thành công và những bài học quý giá, thông qua lăng kính của mô hình “Đầu tư lấy Tầm nhìn làm định hướng”. Mô hình này là ngọn hải đăng dẫn đường cho nhiều công ty tại Việt Nam đã được Mekong Capital đầu tư.
Năng lực: Ai trong chúng ta cũng có nhu cầu được cảm thấy hiệu quả trong công việc hàng ngày và trải nghiệm sự phát triển cá nhân và cảm giác trọn vẹn. Cá nhân tôi luôn thấy mình phát triển hàng ngày tại Mekong Capital và luôn hào hứng đảm nhận vai trò dẫn dắt trong các dự án và phạm vi mới. Nơi đây luôn có những điều mới để học hỏi, và con người tại Mekong luôn sẵn sàng khám phá, thử nghiệm các phương pháp sáng tạo để đạt được kết quả đột phá. Ngay cả khi có ai đó trong công ty muốn đứng yên, thì điều đó cũng khá khó khăn bởi mọi người liên tục phát triển và tiến về phía trước.
Vậy, bạn có đang cảm nhận những nhu cầu về tự chủ trong lựa chọn, sự kết nối và giá trị năng lực của mình được đáp ứng và thoả mãn không? Nếu câu trả lời là có, thì đó chính là nơi đáng để bạn gắn bó lâu dài trong sự nghiệp của mình.
Vui lòng nhấn vào nút dưới đây để đăng ký nhận bản tin quý của Mekong Capital.
Mekong Capital đầu tư vào các ngành theo xu hướng tiêu dùng và đóng góp giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo mô hình Đầu tư Lấy Tầm nhìn làm Định hướng. Các công ty nhận đầu tư thường nằm trong số các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất trong ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam.
Đầu năm 2022, người sáng lập Mekong Capital, Chris Freund, đã xuất bản cuốn “Chuyện Lẩu Cua”, một câu chuyện về một đàn cua bị bắt bỏ vào nồi nước sôi. Thoạt nhìn, “Chuyện Lẩu Cua” trông như một quyển truyện tranh thiếu nhi với trang bìa đầy màu sắc và nét vẽ giàu tính biểu cảm theo phong cách hoạt hình. Nhưng càng về sau, độc giả dễ dàng nhận thấy rằng câu chuyện hàm chứa một thông điệp quan trọng cho các doanh nghiệp về chuyển hóa, năng lực lãnh đạo và việc tập trung vào một tầm nhìn rõ ràng.
Sách đang có bán tại Tiki (bìa cứng): bit.ly/38baF8a
Để lại nhận xét