Cuộc cách mạng nông nghiệp của HUSK: Hành trình tiếp sức nông dân và tái tạo đất
Tác giả: Heloise Buckland and Carol Rius, Đồng Sáng lập HUSK
28/08/2024
———
Đó là một buổi tụ họp thường niên tại một ngôi làng hẻo lánh ở Campuchia. Mọi người đều ăn mặc đẹp và trong trạng thái hân hoan, không khí tràn ngập tiếng cười và hương vị của những bữa tiệc mừng. Giữa đám đông, một nữ nông dân nổi bật với ánh mắt đầy kiêu hãnh khi nắm chặt giải thưởng trong tay mà cô vừa đạt được. Dù chỉ có thể đọc viết ít ỏi, thế nhưng cô nói chuyện với một sự tự tin mới:
“HUSK đã cho tôi kiến thức để cải thiện đất đai, và nay tôi trở thành một người quan trọng ở đây,” cô cất giọng đầy tự hào.
Dù chỉ là một nông dân thuộc hộ sản xuất nhỏ, cũng như bao người khác đang phải vật lộn với đất đai cằn cỗi và năng suất thấp, nhưng hôm nay, cô đã trở thành một nhà lãnh đạo, thúc đẩy các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đất đai trong làng mình. Là một trong những “siêu nông dân” được đào tạo bởi HUSK, cô quảng bá cho các sản phẩm của HUSK để hỗ trợ hàng ngàn nông dân hộ sản xuất nhỏ lẻ ở Campuchia thay đổi cuộc sống của họ thông qua các phương pháp canh tác tái tạo. Khoảnh khắc đó gói gọn mọi điều mà Heloise và Carol đã hình dung khi họ bắt đầu hành trình sáng lập HUSK.
Để tôi đưa bạn trở lại thời điểm bắt đầu.
—
Hai nữ doanh nhân, Một tầm nhìn
Heloise và Carol gặp nhau vào một thời điểm then chốt trong cuộc đời của họ. Cả hai đều đang được thôi thúc bởi khát vọng mãnh liệt tạo ra những tác động mạnh mẽ cho thế giới. Heloise, với nền tảng sâu rộng về đổi mới xã hội, giáo dục và bền vững, đã dành hơn 15 năm điều hành các chương trình giáo dục và nghiên cứu về biến đổi khí hậu và đổi mới xã hội. Thế nhưng cô vẫn cảm thấy có điều gì đó còn thiếu – một tác động trực tiếp lên cộng đồng thay vì chỉ giảng dạy cho người khác. Carol, mặt khác, đã dành hơn một thập kỷ hỗ trợ các công ty Châu Âu kinh doanh tại Ấn Độ. Niềm đam mê với bình đẳng xã hội đã thúc đẩy cô giúp các công ty này mang đến những công nghệ có thể cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, sau nhiều năm làm tư vấn, Carol cảm nhận một khát khao mãnh liệt muốn tạo ra điều gì đó của riêng mình.
“Thay vì chỉ tư vấn cho các công ty, tôi muốn tập trung làm điều gì đó rõ ràng – một thứ mà tôi có thể nuôi dưỡng và chứng kiến sự phát triển của nó,” cô giải thích.
Hai mảnh ghép tưởng chừng như khác biệt nhưng lại khớp nhau hoàn hảo – chuyên môn của Carol trong kinh doanh quốc tế và thế mạnh của Heloise trong phát triển bền vững.
Qua vô số những buổi cà phê thảo luận, họ nhận ra rằng con đường họ đi không chỉ giao nhau mà còn đan xen khi trọng tâm của họ đều hướng tới các nông dân hộ sản xuất nhỏ lẻ – những nhân tố thường bị bỏ qua nhưng lại thiết yếu để cung cấp thực phẩm cho cả thế giới. Đối với Carol, mục đích sâu xa hơn đằng sau dự án này là sự công bằng xã hội. Cô muốn đảm bảo rằng các nông dân hộ nhỏ lẻ có thể kiếm được nhiều tiền hơn, được trao quyền và sống với đúng phẩm giá. Trong khi đó, động lực của Heloise là sứ mệnh dành cho môi trường: “Những nông dân này là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, và chúng tôi biết rằng mình phải cung cấp cho họ các công cụ để phát triển mạnh mẽ hơn.”
Cùng nhau, họ hình dung ra một doanh nghiệp sẽ đáp ứng nhu cầu của nông dân thuộc hộ sản xuất nhỏ, đồng thời thúc đẩy sự bền vững và giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu. Nền tảng cho HUSK đã được đề ra, được dẫn dắt bởi tầm nhìn và mục tiêu chung của họ.
Công cuộc khám phá toàn cầu để tìm ra giải pháp cho địa phương
Heloise và Carol bắt đầu hành trình đầy thách thức để xây dựng HUSK bằng cách khám phá các nguồn nguyên vật liệu sinh học khác nhau mà nông dân có nhiều nhưng lại thường có giá trị thấp. Trong số đó, vỏ trấu, với sản lượng khổng lồ 150 triệu tấn hàng năm, đã được chú ý tới. “Chất thải này thường bị đốt hoặc đổ bỏ, gây ô nhiễm mà không mang lại giá trị gì,” Carol nhận xét.
Hành trình tìm kiếm cách sử dụng bền vững cho vỏ trấu đã đưa họ đi khắp thế giới. Họ đã nghiên cứu các ứng dụng tiềm năng – đồ nội thất, phân hữu cơ, làm đũa ăn và ly cốc. “Chúng tôi đã tìm kiếm trên phạm vi toàn cầu để tìm ra các ứng dụng khác nhau cho vỏ trấu. Thậm chí chúng tôi còn thử làm viên nén vỏ trấu cho bếp nấu trong gara nhà tôi,” Heloise nhớ lại. Mặc dù đã cố gắng hết sức, nhưng các giải pháp mà họ thử nghiệm vẫn chưa mang lại điểm đột phá mà họ cần.
Bước ngoặt đến vào năm 2018 trong chuyến thăm thứ hai của họ đến Campuchia. Một chuyên gia nhiên liệu sinh học người Hà Lan đã giới thiệu họ về khái niệm than sinh học, một thứ mà cả hai chưa từng nghĩ đến. “Than sinh học? Tôi thậm chí còn không biết than sinh học là gì,” Heloise thừa nhận. Nhưng khi nghiên cứu sâu hơn, họ phát hiện ra rằng than sinh học – được tạo ra từ vỏ trấu thông qua quá trình nhiệt phân – là một kỹ thuật truyền thống mà nông dân đã sử dụng hàng thế kỷ để cải thiện chất lượng đất. “Khoảnh khắc khiêm nhường ấy khiến chúng tôi nhận ra rằng nếu ngay từ đầu chúng tôi đi hỏi nông dân, họ đã có thể nói cho chúng tôi biết rằng họ từng làm than sinh học,” Heloise suy ngẫm.
Phát hiện này mang lại một sự sáng tỏ sâu sắc. Họ nhanh chóng chuyển hướng tập trung sang sản xuất than sinh học.
Từ thách thức đến thành công
Xây dựng HUSK là một bài kiểm tra về sự kiên trì và sáng tạo, nâng cao giới hạn trong nông nghiệp bền vững. Theo truyền thống, nông dân thường tạo ra than sinh học bằng cách đốt vỏ trấu thành từng đống ngoài trời – một quá trình không chỉ phát thải khí độc hại mà còn tốn nhiều thời gian và cho ra kết quả không đồng đều. HUSK đã nhìn thấy cơ hội để cách mạng hóa phương pháp truyền thống này. Họ muốn giới thiệu một quy trình nhiệt phân tiên tiến sản xuất than sinh học với độ chính xác và nhất quán cao, đồng thời giảm đáng kể các tác động ra môi trường.
Carol tìm thấy một nhà sản xuất thiết bị nhiệt phân ở Việt Nam, và Heloise chuyển đến Campuchia để giám sát việc lắp đặt chiếc máy đầu tiên và thiết lập doanh nghiệp. “Khoảng thời gian đó không hề dễ dàng, vì chưa có ai làm ra công nghệ hoạt động hiệu quả với vỏ trấu; chúng tôi cũng phải tìm đối tác nhà máy xay gạo và xây dựng một đội ngũ địa phương,” Heloise chia sẻ. Nhà máy nhiệt phân của HUSK ở Campuchia sử dụng vỏ trấu để sản xuất phân bón than sinh học, giúp nông dân cải thiện sức khỏe đất, dẫn đến năng suất cây trồng tốt hơn, giảm chi phí đầu vào theo thời gian và hoạt động nông nghiệp bền vững hơn.
Hành trình này không hề suôn sẻ. Thách thức lớn đầu tiên là việc vận chuyển máy từ Việt Nam sang Campuchia, trở thành cơn ác mộng về hậu cần. Chiếc xe tải đầu tiên quá nhỏ, chiếc thứ hai thì quá nặng. “Chúng tôi phải thử đến ba lần để đưa được chiếc máy qua biên giới,” Heloise nhớ lại.
Cuối cùng, sau khi vượt qua rào cản vận chuyển, họ lại đối mặt với một cản trở khác – chiếc máy không vừa cửa của xưởng xay gạo. Không nản lòng, Heloise, Carol và cả đội đã phải tự tay di chuyển từng bộ phận của chiếc máy nhiệt phân nặng một tấn vào trong toà nhà. Vậy mà giây phút họ nghĩ rằng mọi khó khăn đã qua, ngay khi Heloise nhấn nút khởi động máy lần đầu, một vụ nổ đã làm rung chuyển cả cơ sở. May mắn là không ai bị thương, nhưng sự cố bất ngờ này đã bổ sung thêm vào danh sách khó khăn ngày một tăng của họ.
Dù khởi đầu gặp nhiều khó khăn, việc sản xuất than sinh học cũng bắt đầu vào năm 2019. Lần bán hàng đầu tiên cho một tổ chức phi chính phủ là một cột mốc quan trọng, và những thử nghiệm đầu tiên cho thấy năng suất tăng trưởng bền vững báo hiệu rằng những nỗ lực của họ đang được đền đáp.
Thế nhưng khi họ đang trên đà phát triển, đại dịch COVID-19 ập đến, đẩy họ vào tình thế phải làm việc từ xa. Heloise quản lý vận hành từ xa, đồng thời cố gắng duy trì tinh thần đội ngũ và giữ cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động. “Mỗi tuần lại là một chặng đua mới để vượt qua thách thức trước mắt,” cô nhớ lại. Những khó khăn không ngừng này đã thử thách sức bền của họ, nhưng họ quyết không từ bỏ.
Năm 2022, họ phải đối mặt với một quyết định quan trọng khác. Xưởng xay gạo và đơn vị nhiệt phân hiện tại không còn đủ để đáp ứng nhu cầu đang tăng trưởng không ngừng. Để mở rộng quy mô nhanh chóng, họ đã chuyển đến một nhà máy xay lớn hơn, cùng với sự trợ giúp của kỹ sư địa phương họ xây dựng một thiết bị nhiệt phân mới ngay tại Campuchia. Nước cờ táo bạo này đã tăng gấp đôi công suất sản xuất và giảm chi phí, cho phép họ cung cấp sản phẩm với giá cả phải chăng hơn cho nông dân.
Việc không ngừng đổi mới đã dẫn họ tới cơ hội hợp tác với một công ty của Úc, đảm bảo công nghệ tiên tiến, chứng nhận tín chỉ carbon và nhận tài trợ từ Vương quốc Anh.
Trong suốt hành trình, họ phát hiện ra rằng nông dân không chỉ cần than sinh học – họ cần cả phân bón từ carbon. Do đó, HUSK đã bắt tay vào quá trình pha trộn than sinh học với các chất dinh dưỡng khác để tạo ra phân bón dạng hạt và sản phẩm dạng lỏng, được điều chỉnh theo nhu cầu của các loại cây trồng cụ thể và giải quyết thách thức của nông dân.
Dòng phân bón có nguồn gốc từ carbon mới này có thể cách mạng hoá các phương thức canh tác và theo thời gian sẽ giúp đất đai phát triển mà không cần đến phân bón hoá học. Đến nay, nông dân sử dụng các sản phẩm của HUSK đã báo cáo tăng trưởng năng suất từ 15-20%, giảm sử dụng phân bón hoá học đến 50%, giúp tăng thu nhập ròng lên 10-20%.
Hồi sinh đất, Nâng cao cuộc sống
“HUSK đã cho tôi kiến thức để cải thiện đất đai, và giờ đây tôi trở thành một người quan trọng ở đây.” Lời chia sẻ đầy tự hào của nữ nông dân người Campuchia vang lên như chính tầm nhìn mà Heloise và Carol từng ấp ủ khi họ mới bắt đầu: tiếp sức cho những nông dân hộ sản xuất nhỏ lẻ, xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và tạo ra những tác động tích cực lâu dài cho thế giới.
Nhìn lại hành trình của mình, Carol chia sẻ: “Nhìn thấy niềm vui trên gương mặt của các nông dân, đặc biệt là những người phụ nữ mà chúng tôi đào tạo, là minh chứng cho mọi cố gắng chúng tôi đã làm.” Heloise tiếp lời: “Cơ hội phía trước cho HUSK là rất lớn, chúng tôi đã phát triển những giải pháp giúp nông dân đối mặt với các thách thức ngày càng cấp bách liên quan đến suy thoái đất và biến đổi khí hậu, và tôi rất hào hứng với giai đoạn phát triển tiếp theo.”
Ngày nay, HUSK không chỉ là một công ty; mà còn là một ví dụ tiên phong về công cuộc thay đổi xã hội và môi trường, minh chứng cho mọi điều đều có thể khi hai cá nhân kết hợp cùng mơ lớn và làm việc không ngừng nghỉ để biến giấc mơ đó thành hiện thực. Thông qua sự cam kết kiên định và bền bỉ theo đuổi tầm nhìn của mình, Heloise và Carol đang tạo nên sự khác biệt thực sự – cho từng người nông dân một.
Vui lòng nhấn vào nút dưới đây để đăng ký nhận bản tin quý của Mekong Capital.
Mekong Capital đầu tư vào các ngành theo xu hướng tiêu dùng và đóng góp giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo mô hình Đầu tư Lấy Tầm nhìn làm Định hướng. Các công ty nhận đầu tư thường nằm trong số các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất trong ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam.
Đầu năm 2022, người sáng lập Mekong Capital, Chris Freund, đã xuất bản cuốn “Chuyện Lẩu Cua”, một câu chuyện về một đàn cua bị bắt bỏ vào nồi nước sôi. Thoạt nhìn, “Chuyện Lẩu Cua” trông như một quyển truyện tranh thiếu nhi với trang bìa đầy màu sắc và nét vẽ giàu tính biểu cảm theo phong cách hoạt hình. Nhưng càng về sau, độc giả dễ dàng nhận thấy rằng câu chuyện hàm chứa một thông điệp quan trọng cho các doanh nghiệp về chuyển hóa, năng lực lãnh đạo và việc tập trung vào một tầm nhìn rõ ràng.
Sách đang có bán tại Tiki (bìa cứng): bit.ly/38baF8a
Để lại nhận xét