Việt Nam trên đường trở thành Lãnh đạo Toàn cầu
Tác giả: Chris Freund, nhà sáng lập và Tổng Giám đốc Mekong Capital
02 tháng Năm 2020
———
Việt Nam đã khống chế thành công dịch COVID-19 với 270 ca nhiễm, 0 ca tử vong, và không có thêm ca nhiễm trong cộng đồng suốt hai tuần qua, trở thành quốc gia đông dân đầu tiên đánh bại đại dịch COVID-19.
Việt Nam đạt được thành tích này là nhờ tài lãnh đạo sáng suốt và phối hợp nhịp nhàng từ các cấp chính quyền. Ngay khi khủng hoảng bắt đầu manh nha tại Trung Quốc từ tháng Một, Việt Nam đã nhanh chóng hành động bằng cách đóng cửa trường học từ đầu tháng Hai, hạn chế đi lại và cấp thị thực, cách ly người từ nước ngoài về nước và đỉnh điểm là đóng cửa biên giới. Việt Nam thực hiện biện pháp theo dõi những người có tiếp xúc với các ca nhiễm và cách ly nghiêm ngặt những ai có nguy cơ phơi nhiễm [1]. Việt Nam còn cung cấp thông tin minh bạch về các ca bệnh [2], chi tiết về địa chỉ, nơi làm việc của những bệnh nhân mắc COVID-19. Việt Nam cũng thực hiện xét nghiệm trên diện rộng. Với tỉ lệ cứ 650 xét nghiệm là có 1 ca nhiễm, Việt Nam là nước có tỉ lệ xét nghiệm trên số ca nhiễm cao nhất thế giới. Nhờ chủ trương hành động sớm và quyết liệt, Việt Nam đã chiến thắng COVID-19.
Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên có thể mở cửa đất nước một cách an toàn, trong bối cảnh hầu hết các quốc gia khác có thể phải đợi đến nhiều tháng sau. Chỉ số GDP của Việt Nam vẫn được dự báo tăng khoảng 4,9% trong năm 2020 [3]. Ngược lại, Mỹ hiện đã có hơn 1.100.000 ca nhiễm và còn tiếp tục tăng nhanh. Tình hình này khiến cho các chuyên gia ước tính cứ mỗi tháng nước này kéo dài biện pháp phong tỏa một phần, GDP sẽ giảm 5%. Thế nên, giả sử Mỹ thực hiện phong tỏa trong 3 tháng, GDP sẽ giảm 15% [4].
Để hiểu rõ vì sao Việt Nam có thể ứng phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng này, và quan trọng hơn, làm thế nào để Việt Nam có được kinh nghiệm, tư duy, giá trị và khả năng để trở thành một đất nước có vai trò quan trọng trong tương lai của thế giới, ta hãy cùng nhau khám phá Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.
Sơ lược quá trình lịch sử Việt Nam kiến tạo nên con người Việt Nam hiện tại
Công cuộc giải phóng khỏi ách đô hộ Trung Hoa
Việt Nam nằm dưới ách đô hộ Trung Hoa suốt hơn 1.000 năm. Cũng trong giai đoạn này, văn hóa từ Trung Hoa bắt đầu du nhập và ảnh hưởng, chẳng hạn như Nho giáo, một hệ tư tưởng vẫn còn tiếp tục tồn tại đến ngày nay, tạo nên những người Việt đặt giá trị giáo dục và gia đình lên hàng đầu. Tuy nhiên, dân tộc nào cũng khao khát tự do và quyền tự quyết, người Việt cũng không ngoại lệ. Họ thiết tha độc lập và tự do.
Các cuộc khởi nghĩa đầu tiên chống lại sự đô hộ Trung Hoa do chính những người phụ nữ Việt Nam lãnh đạo, chẳng hạn như các nữ tướng Hai Bà Trưng hay Bà Triệu. Điều này cho thấy nền văn minh Việt cổ phát triển thiên về mẫu quyền, hoặc ít nhất là quyền lực nằm trong tay phụ nữ, một truyền thống vẫn còn đến ngày nay.
Sau hàng thế kỷ quật khởi nhằm giành lại độc lập cho Việt Nam, trận chiến đầu tiên trên sông Bạch Đằng vào thế kỷ thứ 10 do Ngô Quyền lãnh đạo đã đánh bại quân Nam Hán, nhờ vào tài thao lược, tính toán chính xác đường đi nước bước của quân giặc. Chiến thắng vang dội này đã giải phóng Việt Nam khỏi ách đô hộ 1.000 năm và từ đó trở về sau, người Việt luôn một lòng gìn giữ độc lập, tự do.
Hoàng đế đầu tiên của Việt Nam
Sau khi đánh bại giặc phương Bắc và Ngô Quyền qua đời, Việt Nam rơi vào cảnh loạn lạc khi 12 sứ quân tranh nhau quyền cai trị đất nước. Ngoài kia, kẻ địch vẫn còn lăm le xâm chiếm và thôn tính vùng đất khi xưa là một quận của họ. Loạn thế xuất anh hùng, Đinh Bộ Lĩnh, còn gọi là Đinh Tiên Hoàng (Hoàng đế đầu tiên của nhà Đinh), xưng “Hoàng đế” và đặt tên nước là Đại Cồ Việt vào năm 968, một hành động tuyên bố chủ quyền trước triều đình Trung Hoa. Trở thành vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam, ông thống nhất đất nước, kiến thiết hạ tầng quốc gia, chẳng hạn như hệ thống luật lệ, nhưng vẫn coi trọng Phật giáo.
Thời kỳ hoàng kim của Phật giáo tại Việt Nam
Từ thời nhà Đinh ở thế kỷ thứ 10 trở về sau, Phật giáo được tôn lên làm quốc giáo. Lý Thái Tổ, người sáng lập ra nhà Lý vào thế kỷ 11, là một vị vua được nuôi dạy trong một ngôi chùa. Ông đã mở ra thời kỳ vàng son cho Phật giáo, một giai đoạn kéo dài đến 400 năm sau. Lúc bấy giờ, đền chùa nở rộ, người Việt Nam tuân theo giáo lý nhà Phật, thực hành chánh niệm, giữ tư tưởng ôn hòa và buông bỏ.
Đánh bại quân xâm lược Mông — Nguyên
Vào thế kỷ 13, khi quân Nguyên do Hốt Tất Liệt đứng đầu lăm le xâm chiếm đất nước, Vua Trần Nhân Tông lúc bấy giờ đã chỉ định Tướng Trần Hưng Đạo làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh chư quân đẩy lùi quân xâm lược. Học tập theo Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo thống lĩnh đất nước đồng lòng vì một mục tiêu chung trong trận chiến sông Bạch Đằng lần thứ hai. Lục quân và hải quân Mông — Nguyên xâm lược đã bị phục kích, bị cô lập và bị đánh bại ở sông Bạch Đằng, tương tự như trận chiến Bạch Đằng đầu tiên bốn thế kỷ trước đó. Bảy thế kỷ sau, Việt Nam đã dùng một cách tiếp cận tương tự để hướng cả nước về một mục tiêu chung, rồi “cô lập”, “bao vây” và đánh bại COVID-19.
Tổng cộng, Việt Nam đã ba lần đẩy lùi tham vọng chinh phạt của quân Mông — Nguyên, và là quốc gia duy nhất trên vùng lục địa châu Á không bị vó ngựa Mông Cổ giày xéo.
Sau đó, vua Trần Nhân Tông quyết định thoái vị và xuất gia tu hành, truyền ngôi cho con trai. Ông đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm — một dòng thiền Phật giáo mang bản sắc Việt Nam. Ông chu du khắp đất nước, giảng giải về Thiền tông và các phương pháp tu thiền khác cho đến khi qua đời.
Đạo Mẫu và các nữ Bồ Tát
Song song với việc thực hành Phật giáo, Việt Nam vẫn còn gìn giữ một di sản nghìn đời về thờ cúng mẫu thần, một tín ngưỡng phát triển bên cạnh Phật giáo. Nhìn vào truyền thống mẫu hệ lâu đời, vào nghi lễ thờ cúng các nữ thần như Po Nagar du nhập từ dân tộc Chăm (di cư từ Ấn Độ) và các nữ Bồ Tát như Quan Âm, ta thấy Việt Nam có một lịch sử tín ngưỡng phong phú về thờ mẫu, các nữ thần sinh sản hay nữ Bồ Tát. Một số truyền thống này, chẳng hạn như Hầu Đồng, cho phép các mẫu thần nhập hồn vào các ông đồng, bà đồng trong trạng thái thôi miên. Những năm gần đây, các nghi thức truyền thống như thế đang dần được khôi phục.
Thực dân Pháp xâm lược và Thế Chiến II
Vào cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam. Đây là giai đoạn nhiều người Việt mất đi đất đai, bị ép trở thành tầng lớp nông dân, nền giáo dục hủ bại, nạn nghiện thuốc phiện tràn lan, khoảng cách giữa người giàu (giai cấp thực dân cai trị cùng một phần nhỏ người Việt giàu có) và người nghèo cực kỳ lớn. Đến thế kỷ 20, Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ, đế quốc Nhật xâm lược Việt Nam. Năm 1945, các kho gạo của Việt Nam bị quân Nhật thâu tóm, khiến 1.000.000 người Việt lâm vào cảnh chết đói.
Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh
Giữa thời kỳ khủng hoảng của đất nước, vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam đã giành được độc lập [5]. Lòng người Việt khấp khởi vì một Việt Nam tự do, độc lập khi Hồ Chí Minh khẳng định rằng mọi dân tộc trên thế giới đều tự do và bình đẳng, thay mặt toàn dân Việt Nam tuyên bố với thế giới rằng “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”
Đây không phải là lời nói của người ngoài cuộc. Đây là một hành động đánh dấu cột mốc khai sinh! Bằng tuyên bố của mình, Hồ Chí Minh đã khai sinh một tương lai mới cho Việt Nam. Người dân Việt Nam hòa mình với thân phận mới của họ, với tương lai đất nước mà Hồ Chí Minh đề ra. Họ thấy bản thân mình trong tương lai đó. Dù vẫn còn nhiều trở ngại cần vượt qua và sẽ có nhiều thất bại, nhưng nhân dân Việt Nam vẫn trung thành với tương lai mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra.
Trong suốt thời gian Việt Nam đấu tranh giành độc lập, phụ nữ đã trở thành những người lãnh đạo quan trọng. Một cô gái trẻ tên Nguyễn Thị Minh Khai đã đứng lên vì độc lập của đất nước và bị xử bắn. Từ khi bắt đầu phong trào độc lập cho đến khi kết thúc chiến tranh, nhiều người phụ nữ đã lãnh đạo Việt Nam và trở thành anh hùng dân tộc [6].
Từ thời điểm lịch sử đó cho đến khi Việt Nam thực sự giành được độc lập còn tận 30 năm nữa. Trước khi ngoại bang chịu khuất phục hoàn toàn và rút lui, người Việt đã phải đánh bại thực dân xâm lược từ Pháp rồi đến Mỹ, hy sinh hơn 3.000.000 người, mỗi người trong số đó cũng có một gia đình yêu thương họ. Cuối cùng, vào ngày 30/4/1975, chiến tranh kết thúc. Đất nước được thống nhất, người dân được tự do, hòa bình được lập lại. Tuy nhiên, sau nhiều năm dài chiến tranh, đất nước đã bị tàn phá.
Lúc này Việt Nam đứng trước hai sự lựa chọn:
– Việt Nam có thể cứ mãi chìm đắm trong quá khứ, đổ lỗi cho lịch sử bất công khi bị các cường quốc như Pháp, Nhật, Mỹ xâm lược. Họ có thể xây dựng hình tượng một quốc gia đi đòi lại công lý. Hoặc:
– Việt Nam có thể gạt bỏ quá khứ và chọn một tương lai mới. Việt Nam có thể chọn một tương lai mà bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh đã đề ra: một tương lai tự do, độc lập và hạnh phúc cho người dân của mình.
Việt Nam đi theo lựa chọn thứ hai. Bằng tấm lòng vị tha tuyệt vời, người dân Việt Nam tha thứ cho tất cả những quốc gia từng gây ra đau thương cho đất nước mình. Họ thậm chí còn chào đón và thân thiết với người nước ngoài, bao gồm cả những cựu thù. Việt Nam chọn tương lai chứ không phải quá khứ.
Việt Nam trỗi dậy
Lần đầu tôi đến Việt Nam là vào năm 1992 khi đi du lịch bụi. Tôi những tưởng Việt Nam sẽ trông giống như chiến trường, một đất nước nghèo nàn bị khói lửa chiến tranh tàn phá. Tôi những tưởng người dân nơi đây sẽ ghét tôi vì tôi là người Mỹ. Nhưng không, điều tôi tìm thấy là sự cởi mở, suy nghĩ cầu tiến, lạc quan, những con người đề cao các mối quan hệ và sự gắn kết, một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Tôi bị choáng ngợp bởi tính thân thiện, cởi mở và hiếu khách của những người tôi gặp qua. Đến cả những người sống ở nơi từng là chiến trường hay có người thân chiến đấu ở cả hai bờ chiến tuyến đều cực kỳ thân thiện, cởi mở, thích giao lưu kết bạn, thậm chí là với các cựu thù. Đất nước này thật lạ kỳ?
Tỉ lệ nghèo giảm nhanh và sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu
Như chim phượng hoàng trỗi dậy từ tro tàn của 100 năm thê lương, Việt Nam tái thiết, tái thiết và tái thiết. Ngày nay, Việt Nam là một đất nước hòa bình, sôi động và ổn định, trở thành một trong những nước đang phát triển thành công nhất ở nửa sau thế kỷ 20.
Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ nghèo giảm nhanh nhất thế giới. Năm 1992 toàn quốc có 94% dân số sống trong nghèo đói, đến năm 2018, con số này chỉ còn 29% [7]. Cùng lúc đó, tầng lớp trung lưu mạnh mẽ của Việt Nam xuất hiện: 91% dân số Việt Nam sở hữu nhà riêng [8], và đại đa số không vay thế chấp. Điều này biến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỉ lệ người dân sở hữu nhà cao nhất thế giới, đặc biệt là tỉ lệ sở hữu nhà không vay vốn. Việc sở hữu nhà và quyền được tiếp cận nền giáo dục cao cấp hình thành nên một tầng lớp trung lưu mạnh mẽ. Mặc dù có một bộ phận người Việt giàu có đang nổi lên gần đây, chẳng hạn như giới doanh nhân khởi nghiệp thành công, nhưng sự phát triển của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy ngày càng nhanh.
Cam kết hòa bình và trung lập
Việt Nam đã trực tiếp trải qua thảm kịch và sự tàn phá của chiến tranh trong hơn 100 năm qua: cuộc xâm lược của đế quốc Nhật trong Thế Chiến Thứ Hai, tham vọng của thực dân Pháp nhằm duy trì một nước Việt Nam thuộc địa, và chiến tranh chống đế quốc Mỹ khiến 3.000.000 người Việt Nam hy sinh. Dẫu vậy, Việt Nam đã chuyển mình trở thành một quốc gia luôn nhìn về phía trước và yêu chuộng hòa bình.
Ngay sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, Việt Nam liền gia nhập Phong trào Không liên kết [9] vào năm 1976. Phong trào Không liên kết là một diễn đàn gồm 125 quốc gia đang phát triển không liên kết hay chống lại bất kỳ một khối cường quốc nào.
Mục đích của Phong trào Không liên kết là nhằm giúp các quốc gia thành viên duy trì độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là khi bị đe dọa bởi chủ nghĩa thực dân, phân biệt chủng tộc, bị nước ngoài xâm lược hoặc can thiệp, cũng như hỗ trợ lẫn nhau để tránh bị cuốn vào vấn đề chính trị của các siêu cường như Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Với quan điểm tôn trọng độc lập, tự do của các quốc gia yếu thế hơn và quyền miễn can dự vào vấn đề địa chính trị của các siêu cường quốc, Việt Nam đã duy trì việc đối thoại, gắn kết và quan hệ ngoại giao thân thiện với tất cả các nước mà không chọn phe, hoặc không bị cuốn vào các khối cường quốc chính trị. Theo đó, Việt Nam xây dựng mối quan hệ hữu hảo không chỉ với Mỹ, mà còn với Iran, Bắc Triều Tiên, Cuba và Palestine.
Tính trung lập và cởi mở của Việt Nam cũng được thể hiện qua số lượng lớn các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết, ví dụ:
• Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
• Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA)
• Hiệp định thương mại song phương Mỹ-Việt
• Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản — Việt Nam
• Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc-Việt Nam
• EU-Việt Nam (thỏa thuận thương mại duy nhất giữa Liên minh Châu Âu và một quốc gia đang phát triển ở châu Á)
• Hiệp định toàn diện và tiến bộ về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó Việt Nam là quốc gia thành viên kém phát triển nhất và là nước hưởng lợi nhiều nhất.
Vai trò lãnh đạo của phụ nữ tại Việt Nam
Cùng với New Zealand và Bắc Âu, Việt Nam đặt ra một tiêu chuẩn toàn cầu cho các nhà nữ lãnh đạo, đặc biệt là ở châu Á. 27% thành viên Quốc hội Việt Nam là nữ. Tỉ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động tại Việt Nam là 72,5%, thuộc hàng cao nhất thế giới [10]. Khoảng 25% giá trị của các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là các công ty do các nữ CEO lãnh đạo, và các công ty này thường vượt trội so với các công ty có CEO nam [11]. Một số công ty niêm yết nổi tiếng tại Việt Nam có phụ nữ đảm nhiệm vị trí CEO hoặc Chủ tịch bao gồm Vinamilk, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, VietJet, REE, Dược phẩm Hậu Giang, Traphaco, và nhiều công ty khác [12].
Việt Nam cam kết với các mục tiêu phát triển bền vững
Năm 2015, Việt Nam đã ký vào thỏa thuận Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc. Mười bảy Mục tiêu Phát triển Bền vững toàn cầu đã được sửa đổi thành 115 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam (VSDG), thuộc “Kế hoạch hành động quốc gia trong Chương trình Phát triển Bền vững 2030”, dựa trên bối cảnh và ưu tiên phát triển của Việt Nam [13]. Năm 2018, Việt Nam là một trong 46 quốc gia tiến hành đánh giá tự nguyện về tiến trình hướng đến Mục tiêu Phát triển Bền vững mà quốc gia đó đã cam kết [14].
Lượng carbon thải ra môi trường ít hơn
Tuy còn nhiều việc phải làm để đưa mức thải carbon xuống con số 0, Việt Nam hiện vẫn có lượng khí thải carbon tương đối ở mức 1,8 tấn / người mỗi năm. Trong khi đó, con số này ở Trung Quốc là 7,5 tấn và ở Mỹ là 16,5 tấn [15] Dẫu vậy, trồng rừng vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với Việt Nam và đây là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam có thể đóng vai trò lãnh đạo trên thế giới.
Phật giáo và chánh niệm
Tình yêu dành cho giáo lý nhà Phật vốn đã tồn tại ở Việt Nam suốt gần 2.000 năm qua. Ngày nay, Việt Nam sản sinh ra nhiều giảng sư, thiền sư nổi bật như Thích Nhất Hạnh, người đã truyền cảm hứng cho hàng chục triệu người trên khắp thế giới thực hành chánh niệm và biết yêu thương từng khoảnh khắc sống. Biết cách chấp nhận cuộc sống, thực hành chánh niệm là những phương pháp nhẹ nhàng, không hề ép buộc người học phải đạt được mục tiêu ra sao. Nó đơn giản chỉ là một lời mời. Tư tưởng nhẹ nhàng, biết nâng niu từng phút giây của hiện tại đã thấm nhuần vào văn hóa Việt Nam.
Ẩm thực ngon miệng và tốt cho sức khỏe
Ẩm thực Việt Nam cùng với ẩm thực Nhật Bản là một trong những nền ẩm thực cung cấp chế độ ăn uống tốt nhất cho sức khỏe. Người Việt sử dụng rất nhiều rau tươi và hải sản nuôi trồng. Không chỉ vậy, món ăn Việt Nam còn cực kỳ ngon miệng, phong phú với hàng ngàn món ngon để khám phá. Với tỉ lệ béo phì là 2,1%, Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ béo phì thấp nhất thế giới [16].
Thiên tai và hiện tượng nóng lên toàn cầu
Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự nóng lên toàn cầu [17], Việt Nam cũng đang đối mặt với một số mối đe dọa nghiêm trọng. Với đặc điểm đường bờ biển dài, sở hữu vùng châu thổ và bãi bồi rộng lớn, cộng với vị trí địa lý nằm trên đường đi của nhiều cơn bão nhiệt đới, Việt Nam bị xếp vào nhóm có nguy cơ chịu ảnh hưởng cao. Mực nước biển dâng cao khiến ngày càng nhiều đất nông nghiệp ở Việt Nam bị ngập mặn. Hạn hán đang trở nên phổ biến hơn, và hiện tại đồng bằng sông Mekong đang gánh chịu một đợt hạn hán tàn khốc [18]. Miền trung Việt Nam luôn đối mặt với nguy cơ lũ lụt, và nguy cơ này ngày một tăng do sự nóng dần lên của Trái Đất khiến bão xuất hiện ngày càng nhiều.
Việt Nam sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo thế giới
Lịch sử đau buồn với chiến tranh, thiên tai và kinh nghiệm đối phó với SARS, H1N1 đã giúp cho Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ càng để ứng phó nhanh chóng, quyết liệt trước các tình huống khẩn cấp tầm cỡ quốc gia và các mối đe dọa toàn cầu. Khả năng lãnh đạo của Việt Nam đã được chứng minh bằng chiến thắng chóng vánh trước COVID-19.
COVID-19 chỉ là một hiệu ứng nhỏ, kết quả từ việc con người gây hại đến thiên nhiên. Trong tương lai sẽ còn nhiều đại dịch xảy ra nữa. Sẽ ngày càng có nhiều đất nông nghiệp bị nước biển nhấn chìm. Hạn hán và lũ lụt sẽ xảy ra nhiều nơi, thời tiết sẽ thay đổi thất thường. Sẽ có thêm nhiều loài động thực vật tuyệt chủng. Và khi mức độ đa dạng sinh thái tiếp tục suy giảm, khi con người ngày càng mất kết nối với thiên nhiên, thế hệ con cháu của chúng ta sẽ phải gánh chịu chất lượng cuộc sống ngày một tồi tệ.
Việt Nam có thể giải quyết vấn đề này. Bằng chứng là Việt Nam đã luôn tuân thủ Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc và có những tiến bộ đáng kể trên con đường hoàn thành các mục tiêu trên. Việt Nam đã từng bước khẳng định mình, trở thành hình mẫu phát triển bền vững cho các nước đang phát triển và là quốc gia ủng hộ nhiệt thành hợp tác quốc tế.
Sau cuộc khủng hoảng COVID-19, các tổ chức toàn cầu sẽ càng có vai trò quan trọng hơn trong việc chia sẻ các mục tiêu chung nhằm giải quyết các vấn đề quốc tế, gồm: y tế thế giới, hòa bình thế giới, bình đẳng giới, tình trạng nóng lên toàn cầu và khả năng duy trì sinh thái. Việt Nam có vai trò quan trọng trong các vấn đề này.
Thế giới cần Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong việc dẫn dắt thế giới đến một tương lai bền vững
Việt Nam có thể tiếp tục thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tếvà tránh xung đột. Truyền thống chung tay giải quyết những trở ngại chung của người Việt, thay vì đổ lỗi cho kẻ thù, là phong cách lãnh đạo đang thiếu vắng trầm trọng trên thế giới hiện nay. Thế giới cần các quốc gia như Việt Nam để tạo nên phong cách lãnh đạo mang tính xây dựng về các vấn đề được quốc tế quan tâm.
Đề cao khoa học và nâng tầm ảnh hưởng của khoa học là một mô hình tuyệt vời ở Việt Nam mà thế giới cần học tập. Trong các trường hợp khẩn cấp quốc gia, Việt Nam dùng kiến thức khoa học và tư duy giải quyết vấn đề thực tế làm kim chỉ nam chứ không phải lợi ích chính trị hay tôn giáo. Do đó, Việt Nam cần phải đưa các dữ liệu, tư duy dựa trên cơ sở khoa học và cách giải quyết vấn đề thực tế vào các cuộc đối thoại bàn về phương pháp đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc trên toàn cầu.
Cách Việt Nam gìn giữ môi trường thiên nhiên cũng có thể là hình mẫu của thế giới. Việt Nam có thể là nước tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, sử dụng nước và kiểm soát ô nhiễm. Việt Nam là một đất nước xinh đẹp với hệ sinh thái phong phú, và chúng ta có thể bảo vệ nó.
Cũng giống như các quốc gia khác được lãnh đạo bởi các “nữ tướng” và hoàn thành xuất sắc cuộc chiến chống COVID-19 [19], Việt Nam sở hữu các “nữ tướng” đóng vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo đất nước tiến đến tương lai mà họ cam kết. Điều này có thể truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ dám dấn thân vào vị trí lãnh đạo trên thế giới, đóng góp vào hòa bình và bền vững toàn cầu. Hẳn nhiên thế giới sẽ bình yên, bền vững và hợp tác nhiều hơn nếu ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo ở các cấp cao nhất của chính phủ và các tổ chức toàn cầu.
Giống như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người Việt có thể tạo cảm hứng cho thế giới, mời thế giới đến với cuộc sống thực hành chánh niệm, nâng niu thiên nhiên, vui sống trong hiện tại với những người xung quanh và chọn lấy hạnh phúc.
Để khép lại bài viết này, tôi xin trích dẫn một đoạn văn của Hoài Sơn, được xuất bản vào năm 1965, trong giai đoạn Kháng chiến chống Mỹ. Mặc dù không sinh ra ở Việt Nam nhưng tôi đã dành nửa đời người sống ở mảnh đất này, hai cô con gái của tôi cũng là người Việt. Tôi rất quý mến tinh thần lạc quan, yêu thiên nhiên của người Việt:
“Tôi là một người dân Việt, sinh giữa lòng của đất nước tổ tiên tôi.”
“Nước tôi là một nước bé nhỏ ở ven bờ bể cả, có núi lớn làm thành, sông sâu làm lũy, có những danh lam thắng cảnh trang hoàng.”
“Dân tôi là một giống dân hiền lành nhưng quả cảm, kiên nhẫn và kiêu hùng, một giống dân giàu tình cảm và nhân đạo.”
“Tôi yêu nước tôi, tôi mến dân tộc tôi, lòng yêu mến của tôi vô lượng vô biên, thiêng liêng cao cả. Vì nước tôi là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, vì dân tôi đã biết giữ gìn đất nước tôi.”
“Tôi sống trên mảnh đất tổ tiên tôi đã sống, tôi thở không khí của tổ tiên tôi đã thở; những đồi núi sông ngòi, những cỏ cây hoa lá, đâu đâu cũng phảng phất in hình dấu vết tổ tiên tôi.”
Tôi tin rằng đã đến lúc phải xem xét lại định nghĩa thế nào là một quốc gia “siêu cường” trên thế giới. Việt Nam có thể là một siêu cường mới, không dựa trên sức mạnh quân sự, quy mô hay tăng trưởng kinh tế bất bền vững, mà dựa vào cam kết hợp tác và gắn kết toàn cầu, hòa hợp với thiên nhiên, nâng cao tiêu chuẩn y tế và giáo dục, khai mở sức mạnh của nữ giới trong đội ngũ lãnh đạo, đề cao hòa bình và sống cho hiện tại.
[1] Vietnam May Have the Most Effective Response to Covid-19, The Nation, 2020
[2] Vietnam Ministry of Health, 2020
[3] World Bank cuts Vietnam’s 2020 GDP growth outlook to 4.9%, The Star, 2020
[4] The Cost of COVID-19: A Rough Estimate of the 2020 US GDP Impact, Mercatus Center, 2020
[5] Declaration of Independence of the Democratic Republic of Vietnam, History Matters
[6] The Women Who Fought for Hanoi, The New York Times, 2017
[7]Vietnam Poverty Rate 1992–2020, Macrotrends
[8] Millennials finding home-ownership difficult, Vietnam Economic Times, 2018
[9] Non-aligned movement, NTI, 2018
[10] Female labor force participation — Country rankings, The Global Economy, 2019
[11] VNX Women CEO indexes, IFRC
[12] Vietnam’s 20 most influential businesswomen in 2019, Vietnam Investment Review, 2019
[13] Viet Nam’s voluntary national review- key messages, U.N., 2018
[14] Viet Nam’s voluntary national Review on the Implementation of the sustainable development goals, U.N., 2018
[15] CO2 emissions, The World Bank
[16]List of countries by obesity rate, Wikipedia
[17] Climate change in Vietnam, Wikipedia
[18] Vietnam’s Mekong Delta Declares Emergency on Devastating Drought, Bloomberg, 2020
[19] Women leaders are doing a disproportionately great job at handling the pandemic. So why aren’t there more of them?, CNN, 2020
Vui lòng nhấn vào nút dưới đây để đăng ký nhận bản tin quý của Mekong Capital.
Mekong Capital đầu tư vào các ngành theo xu hướng tiêu dùng và đóng góp giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo mô hình Đầu tư Lấy Tầm nhìn làm Định hướng. Các công ty nhận đầu tư thường nằm trong số các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất trong ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam.
Đầu năm 2022, người sáng lập Mekong Capital, Chris Freund, đã xuất bản cuốn “Chuyện Lẩu Cua”, một câu chuyện về một đàn cua bị bắt bỏ vào nồi nước sôi. Thoạt nhìn, “Chuyện Lẩu Cua” trông như một quyển truyện tranh thiếu nhi với trang bìa đầy màu sắc và nét vẽ giàu tính biểu cảm theo phong cách hoạt hình. Nhưng càng về sau, độc giả dễ dàng nhận thấy rằng câu chuyện hàm chứa một thông điệp quan trọng cho các doanh nghiệp về chuyển hóa, năng lực lãnh đạo và việc tập trung vào một tầm nhìn rõ ràng.
Sách đang có bán tại Tiki (bìa cứng): bit.ly/38baF8a
Để lại nhận xét